image banner
Cần bổ sung các quan điểm, nhiệm vụ về chính sách đối với miền núi, dân tộc
Lượt xem: 314
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi thấy rất chất lượng và khoa học, với tiêu đề, nội dung, kết cấu, bố cục hợp lý.

   Đồng chí Nông Đức Ngọc - trưởng Ban dân tộc tỉnh Lào Cai

    Dự thảo không chỉ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau, mà còn đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn cụ thể đang đặt ra đối với toàn Đảng bộ, là sự phản ánh sinh động mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, giữa chủ trương, nghị quyết của Đảng được cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

     Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh: Dân tộc Mông chiếm 24,22%; dân tộc Tày 14,47%; dân tộc Dao 14,49%; dân tộc Giáy 4,4%; các dân tộc đặc biệt ít người như Nùng, Hà Nhì, Phù Lá, Hoa, Sán Chay, Bố Y, La Chí... chiếm 8,62%. Trong nhiệm kỳ qua, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến, thu nhập bình quân tăng, tỷ lệ giảm nghèo nhanh (3% - 4%/năm). Tuy nhiên, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm phát triển, trong số hộ nghèo thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, đây là thách thức lớn đối với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương.

    Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc và xây dựng chính sách dân tộc trên cơ sở đánh giá toàn diện vấn đề dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc nêu rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”. Trong Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”.

    Xuất phát từ thực tiễn của địa phương cho thấy, vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng, là nội dung cốt lõi trong việc hoạch định chính sách. Vì vậy, trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần bổ sung các quan điểm, nhiệm vụ về chính sách đối với vấn đề miền núi, dân tộc của Đảng bộ tỉnh.

    Trong nội dung đánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm, về phần hạn chế, khuyết điểm, Dự thảo cần đánh giá đúng thực trạng khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt là giữa vùng thấp với vùng cao. Về nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm cũng cần bổ sung đánh giá việc chậm chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chất lượng nguồn nhân lực thấp để từ đó có được giải pháp phù hợp.

    Trong mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, phần mục tiêu tổng quát, Dự thảo nên bổ sung mục tiêu phát triển kinh tế trên cơ sở ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ; tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm dần sản xuất cây lương thực; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng rừng, các loại cây dược liệu, phát triển kinh tế phải bảo đảm giữ được bản sắc, truyền thống văn hóa các dân tộc. Quá trình xây dựng, phát triển phải đặc biệt coi trọng vấn đề môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ và tái tạo; đảm bảo sự hài hòa giữa việc khai thác tài nguyên với sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số, kiên định mục tiêu không đánh đổi môi trường để phát triển.

    Về định hướng phát triển cần bổ sung nội dung tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Về phát triển văn hóa, thể thao, truyền thông, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Lào Cai, Dự thảo cần bổ sung và tiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình là nhân tố văn hóa, văn minh trong cộng đồng.

    Cùng với đổi mới quan điểm lý luận về phát triển, thì quan điểm về vấn đề phát triển vùng dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần được thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn.

                                          Nông Đức Ngọc

 

1 2 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập