image banner
74 năm thành lập và phát triển ngành công tác dân tộc
Lượt xem: 493
      Tỉnh Lào Cai có nhiều thành phần dân tộc anh em cùng chung sống, địa hình miền núi phức tạp, có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho ngành dân tộc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu thực hiện các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đồng thời  xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.  

     Nhìn lại chặng đường lịch sử 74 năm Ngành công tác dân tộc, chúng ta luôn tự hào về sự đóng góp của nhân dân các dân tộc nói chung và ngành dân tộc nói riêng. Chiểu theo Sắc lệnh số 58 của Chủ tịch Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03/5/1946, Nha Dân tộc (tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay) được thành lập, để có điều kiện chăm lo toàn diện hơn tới lợi ích của các dân tộc thiểu số. Khi đó tỉnh Lào Cai đang  bị thực dân Pháp chiếm đóng, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nêu cao truyền thống yêu nước liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp như các cuộc khởi nghĩa của người Giáy, người Dao, người Mông... Sau này khi có sự lãnh đạo của Đảng, trong những  bức thư gửi đồng bào, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc Lào Cai, Bác Hồ đã căn dặn đồng bào phải đoàn kết, kề vai sát cánh cùng nhau đánh đuổi giặc Pháp, xây dựng quê hương miền núi Lào Cai tiến kịp miền xuôi. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt khó khăn gian khổ, góp phần giải phóng quê hương. Qua các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số chiến dấu anh dũng hy sinh cao cả cho sự nghiệp giải phóng Lào Cai.

    Sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng (tháng 11/1950), 15 dân tộc anh em cùng sinh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phải đối mặt với những hậu quả nặng nề  do chiến tranh để lại: sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở trong tình trạng kiệt quệ; hàng trăm công trình cầu cống, nhà cửa, đường giao thông bị phá huỷ; Nhân dân nhiều vùng vẫn phải sơ tán khắp nơi. Đến đầu năm 1955, toàn tỉnh vẫn còn 96% số hộ dân nằm trong tình trạng đói nghèo bệnh dịch; 95% người dân trong độ tuổi đi học mù chữ. Bên cạnh đó, nạn thổ phỉ nổi lên quấy phá , tệ nạn xã hội còn phổ biến ở nhiều nơi; tệ nạn mê tín dị đoan hoành hành rộng rãi, nhất là trong  nhân dân các dân tộc vùng cao. Thêm vào đó, Mỹ, nguỵ và các thế lực thù địch khác vẫn luôn ngày đêm thực hiện mọi âm mưu và thủ đoạn thâm độc nhằm chia rẽ các dân tộc, nhất là trong giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình trên vấn đề đoàn kết các dân tộc càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Chính quyền Lào Cai đã tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp quan trọng, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ nhân dân các dân tộc bằng nhiều biện pháp phù hợp với trình độ của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới phải hướng vào mục tiêu làm cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; mục đích, tính chất của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ ngụy ở miền Nam; Nhân dân các dân tộc ở Lào Cai tích cực tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước: vừa sản xuất giỏi vừa huy động, sức người, sức của cho tiền tuyến, không ngừng củng cố hậu phương vững mạnh để miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

    Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, trong khí thế xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2, tháng 12/1975, quyết định hợp nhất một số địa phương, trong đó 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1976 – 1981). Giai đoạn này công tác dân tộc chuyển sang hướng mới đó là giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc trước mọi thủ đoạn chia rẽ của các thế lực thù địch. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ được chú trọng, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc ít người. Những việc này đã có tác dụng quan trọng trong việc ổn định phát triển của xã hội; đời sống tinh thần được nâng cao; văn hoá, giáo dục, y tế ngày càng phát triển đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống mới, con người mới cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

    Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm này, Lào Cai có 9 huyện, thị xã (từ tháng 6/1992, có 10 huyện, thị xã) với 180 xã, phường, thị trấn. Tháng 1/2004, Trung ương quyết định chuyển huyện Than Uyên về tỉnh Lai Châu. Từ đó đến nay, tỉnh Lào Cai có 9 huyện, thành phố với 164 xã, phường, thị trấn.Từ tình hình nhiệm vụ cách mạng mới, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ  9, quyết định tái lập tỉnh Lào Cai trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Những ngày đầu mới tái lập, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn, là tỉnh khó khăn nhất cả nước, 150 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm; lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg/năm; 87% số xã, phường, thị trấn không có điện; thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 19 tỷ đồng; còn 17 vạn người trong độ tuổi mù chữ, 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 36 xã chưa có trạm y tế; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, 54% số hộ thuộc diện đói nghèo; 12 vạn người thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi thiếu nước sản xuất, đất canh tác.

    Sau khi tái lập tỉnh dưới dự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trước yêu cầu đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm  trong lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo, tháng 5/1993 Ban  Tôn giáo - Dân tộc được thành lập do đồng chí Hoàng Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban, đến năm 1996 đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo do đồng chí Sùng A Sài làm Trưởng Ban, tháng 11/2004 thành lập Ban Dân tộc tỉnh trên cơ sở sáp nhập Ban Dân tộc - Tôn giáo với Chi cục định canh định cư quản lý và điều động dân cư tỉnh do đồng chí Sần Quáng làm Trưởng Ban, từ tháng 7/2007 đến tháng 10/2015 đồng chí Lý Văn Hải làm Trưởng Ban, từ tháng 11/2015 đến nay đồng chí Nông Đức Ngọc làm Trưởng Ban.

    Đối với cấp huyện, thành phố thành lập phòng dân tộc huyện, thành phố trực thuộc UBND huyện, thành phố có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại địa phương.

    Năm 2008, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định 649/QĐ-UBND ngày 25/3/2008 chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế bộ phận làm công tác tôn giáo từ Ban Dân tộc tỉnh về Sở Nội vụ tỉnh; Công tác Dân tộc cấp huyện, thành phố của tỉnh cũng có nhiều thay đổi, ngày 04/02/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 14/NĐ-CP giải thể phòng Dân tộc cấp huyện, thành phố.

    Năm 2009 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định 970/QĐ-UBND ngày 17/4/2009 về việc chuyển nhiệm vụ công tác định canh, định cư từ Ban Dân tộc tỉnh về Chi cục Phát triển nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    Năm 2010, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 03/8/2010 quyết định thành lập lại 9/9 Phòng dân tộc cấp huyện, thành phố, thị xã.

    Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 Ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai. Với vị trí, chức năng nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, với cơ cấu tổ chức gồm: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch, Phòng Chính sách dân tộc; Phòng Tuyên truyền. Năm 2015, Ban Dân tộc đã bổ sung chức năng nhiệm vụ và đổi tên các phòng thuộc Ban thành: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Chính sách Dân tộc; Phòng Tuyên truyền và Địa bàn.

    Đặc biệt, ngày 16/4/2019 Tỉnh ủy Lào Cai ra Thông báo số 3063-TB/TU về việc công nhận ngày 15 tháng 02 năm 1948 là ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Trần Lâm

 Tiếp theo

      Như vậy trải qua 74 năm thành lập ngành công tác dân tộc và 29 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, cơ quan công tác dân tộc tại tỉnh Lào Cai dần được kiện toàn từ chỗ chỉ có 03 biên chế đến nay tổng số công chức làm công tác tại tỉnh đã tăng lên 30 cán bộ, công chức và người lao động; phòng dân tộc các huyện, thành phố có từ 3 - 5 cán bộ, công chức. Trong quá trình hoạt động, đặc biệt là những năm gần đây, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, thành phố tham mưu tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả một số chính sách dân tộc do Ban làm thường trực như: Hàng năm tổ chức, phối hợp nghiên cứu tham gia các dự thảo xây dựng chính sách mới; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách đang triển khai có vướng mắc trong quá trình thực hiện để các chính sách đi vào cuộc sống như: thực hiện chính sách cho người có uy tín theo Quyết định số 12/QĐ-TTg; chính sách bảo tồn làng nghề truyền thống; sửa đổi chính sách thu hút, chính sách đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao cho tỉnh; chính sách cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình 135; Quyết định 2085/QĐ-TTg, 2086/QĐ-TTg; Quyết định số 45/QĐ-TTg về cấp báo, tạp chí không thu tiền; đề án về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định 498/QĐ-TTg; đề án tuyên truyên phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 1163/QĐ-TTg; đề án hỗ trợ bình đẳng giới theo Quyết định 1898/QĐ-TTg... Đặc biệt đã phối hợp với các sở, ngành UBND các huyện thành phố, thị xã xây dựng bộ giữ liệu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện các hoạt động liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

     Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện; thường xuyên nắm tình hình vùng dân tộc thiểu số, đi sâu tìm hiểu tâm tư, nắm nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, nhất là ở địa bàn trọng yếu tiềm ẩn những nhân tố bất ổn về an ninh, chính trị, từ đó tham mưu biện pháp xử lý giải quyết kịp thời. Phát huy tốt vai trò của cán bộ ở cơ sở, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các dân tộc trong việc vận động đồng bào, dân tộc mình chống lại lôi kéo, xúi giục của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, cùng nhau tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững;

    Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, Ban thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chương trình dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, để từ đó có cơ sở tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở, chấn chỉnh những tồn tại trong thực hiện các chính sách dân tộc; kiến nghị Ủy ban dân tộc sửa đổi, bổ sung những chính sách còn bất cập, xây dựng những chính sách mới, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

    Qua tổ chức thực hiện các chính sách, các chương trình dự án hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và mở rộng, nhiều công trình được nâng cấp và xây dựng mới; nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về tập quán sản xuất dần được thay đổi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân, giảm tỉ lệ đói nghèo ở khu vực nông thôn cũng như tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh và bền vững. Các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác cán bộ, bố trí cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số được quan tâm tính, cán bộ, công chức lãnh đạo là người dân tộc thiểu số từ xã trở lên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa-nghệ thuật, thể thao khu vực được quan tâm tổ chức.

    

Ảnh lễ hội xuống đồng

      Hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc và miền núi cơ bản được ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, Không để xảy ra các điểm nóng vì lý do dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

      Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh; thông qua các kỳ Đại hội đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí vui vẻ phấn khởi, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.

Ảnh Đại hội

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kết quả đạt được, công tác dân tộc cũng còn có những khó khăn, thách thức như: Các xã đặc biệt khó khăn và một số thôn bản vùng sâu, vùng xa kinh tế chậm phát triển, tập quán sản xuất quảng canh lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; một số tập tục lạc hậu, nạn tảo hôn, sinh con trong độ tuổi vị thành niên vẫn còn xảy ra; tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số sang Trung Quốc làm thuê trái pháp luật chưa giảm; …. Đây là những vấn đề cấp thiết mà ngành công tác dân tộc cần quan tâm, tập trung giải quyết trong giai đoạn tới.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới ngành dân tộc cần triển khai thức hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với toàn ngành dân tộc trong việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, quan điểm của Đảng về dân tộc, công tác dân tộc, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, các đề án, chính sách của UBND tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, ổn định dân cư, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Trần Lâm





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập