image banner
Trồng quế hữu cơ xây biệt thự
Lượt xem: 34

Xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có 1.323,6 ha quế đang được canh tác và công nhận đạt quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Trung bình, giá bán mỗi cân quế hữu cơ khô đã qua sơ chế hiện nay là 72.000 - 75.000 đồng, cao gấp 3 lần so với 3 - 4 năm về trước. Sản phẩm quế hữu cơ Nậm Đét đã có mặt tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Châu Âu

anh tin bai

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân cách sơ chế quế

Tăng giá trị từ chứng nhận quế hữu cơ

Từ cung cách trồng quế theo từng hộ gia đình, bán vỏ quế chất lượng thấp, giá rẻ cho những thương lái nhỏ lẻ..., thì nay các hộ trồng quế ở xã Nậm Đét đã liên kết lại thành tổ nhóm, Hợp tác xã để cùng sản xuất và kinh doanh quế hữu cơ giá trị cao, bán hàng theo thỏa thuận với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Chìa khóa của sự thành công ở đây chính là hình thành chuỗi giá trị quế hữu cơ.

Việc trồng quế ở Nậm Đét đang có sự kết hợp hài hòa giữa tri thức bản địa, với khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị cho cây quế. Cụ thể, quế sau 3 - 5 năm trồng đã bắt đầu cho thu hoạch từ việc tỉa cành, lá; sau 7 đến 10 năm có thể chặt tỉa và sau 14 - 15 năm thu hoạch một phần hoặc thu hoạch trắng để lấy vỏ và trồng lại. Mỗi ha quế trong một chu kì khoảng 10 - 12 năm cho thu nhập khoảng 800 - 900 triệu đồng.

anh tin bai

Các hộ trồng quế xã Nậm Đét tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn tổ chức

 Để đạt được giá trị từ cây quế, thì các hộ, nhóm hộ trồng quế đều phải nằm trong danh sách quế được chứng nhận hữu cơ đã ứng dụng tốt quy trình sản xuất quế theo hướng bền vững, đã được đơn vị chuyên môn tập huấn. Nhờ vào hiệu quả của việc hình thành chuỗi giá trị quế hữu cơ mà Nậm Đét hôm nay đã trở thành một xã thịnh vượng. Trên địa bàn xã, hiện không còn nhà tạm, dột nát; 83% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn.

 Nậm Đét được mệnh danh là “xã của những ngôi biệt thự”, với 65 - 73% số hộ có nhà kiên cố, nhà tầng. Tất cả các hộ dân ở đây đều có xe máy, nhiều hộ có ô tô nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Hướng tới phát triển bền vững

Cùng với những thành tích về kinh tế, các cộng đồng người dân tộc Dao ở các thôn, bản của xã Nậm Đét, đã gắn bó với nhau, đoàn kết cùng nhau chia sẻ cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là cách sơ chế quế, hướng dẫn cùng nhau chăm sóc quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. 

anh tin bai

Nông dân trồng quế xã Nậm Đét đã thay đổi phương pháp sản xuất tạo ra sản phẩm đạt chất lượng.

Đặc biệt, phát triển chuỗi giá trị quế theo hướng sản xuất hữu cơ, còn đem lại những thành tựu quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường ở địa phương, giúp tăng thêm tính bền vững của mô hình này. 

Một trong những nguyên tắc để đạt được chứng nhận quế hữu cơ là không xâm lấn rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ để canh tác hữu cơ. Nhờ vậy, xã Nậm Đét đã không chỉ duy trì mà còn tăng được độ che phủ rừng. Nhiều diện tích nương sắn, ngô đã chuyển đổi rừng trồng quế. 

Trong quy trình sản xuất quế hữu cơ, 100% các hộ đều cam kết thực hành, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây quế. Điều nay đã góp phần bảo vệ chống xói mòn và bồi dưỡng sự màu mỡ cho đất rừng, hạn chế ô nhiễm các nguồn nước suối khe trong khu vực, đảm bảo môi trường tự nhiên sạch các hóa chất độc hại đối với người và vật nuôi trong vùng.

Hình thành và nhân rộng diện tích cây quế, nhất là những cánh rừng quế đã được chứng nhận hữu cơ; tăng sản lượng, chủng loại sản phẩm chế biến từ nguyên liệu quế hữu cơ đã và đang là hướng phát triển kinh tế đúng hiệu quả tại xã Nậm Đét. 

Tuy nhiên, để hướng đi này phát triển một cách bền vững, rất cần sự chung tay tích cực và thiết thực hơn nữa từ nhiều phía, trong đó có người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý để chắp cánh cho sản phẩm quế tại xã Nậm Đét nói riêng và sản phẩm quế Lào Cai vươn xa thị trường Quốc tế.

Sưu tầm Báo Dân tộc phát triển





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập