image banner
Ngành Công tác Dân tộc Lào Cai tự hào, vững bước trên con đường 78 năm xây dựng và phát triển (03/5/1946-03/5/2023)
Lượt xem: 84
anh tin bai

Đ/c Nông Đức Ngọc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai

Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 23/10/1992, thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 16/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc. Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, lấy ngày 03/5 hằng năm là Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

Sự ra đời của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng DTTS trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước. Cùng với cả nước, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và tỉnh Lào Cai ngày càng giầu mạnh, văn minh, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng những cố gắng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên những thay đổi tiến bộ rõ rệt trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số.

Kế thừa truyền thống tự hào, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trong 78 năm qua đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi của Tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; xây dựng được bộ dữ liệu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao và các đơn vị có liên quan định kỳ 2 năm/lần tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện và lựa chọn Đoàn vận động viên tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc do Trung ương tổ chức đều đạt kết quả tốt. Tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội đại biểu các DTTS ở cấp huyện và tỉnh vào các năm 2009, năm 2014 và năm 2019. Thông qua Đại hội từ những bài học kinh nghiệm được rút ra, những giải pháp tích cực phù hợp được đề xuất với lãnh đạo tỉnh, với Đảng, Chính phủ để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng dân tộc, miền núi của cả nước. Qua đó rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các các dân tộc. Sự quan tâm cùng những kết quả đạt được đó đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Khối đại đoàn kết các dân tộc được nâng cao. Được lãnh đạo tỉnh, trung ương ghi nhận những đóng góp của Ban Dân tộc tỉnh đối với sự nghiệp công tác dân tộc.

Ngành công tác dân tộc cũng thường xuyên thực hiện nắm tình hình vùng dân tộc thiểu số về các vấn đề đời sống, sản xuất, văn hóa, ..v.v đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu tiềm ẩn những nhân tố bất ổn về an ninh, chính trị, từ đó tham mưu biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia việc thực hiện các chính sách dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện chính sách. Thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư, nắm nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Phát huy tốt vai trò của cán bộ ở cơ sở, người có uy tín,  trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các dân tộc trong việc vận động đồng bào, dân tộc mình chống lại lôi kéo, xúi dục của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong xản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, ngành công tác dân tộc thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chương trình dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, để từ đó có cơ sở tham mưu đề xuất UBND các cấp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở, chấn chỉnh những tồn tại trong thực hiện các chính sách dân tộc; kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung những chính sách dân tộc còn bất cập, xây dựng những chính sách mới, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.

Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ quan công tác dân tộc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đưa công tác dân tộc lên một tầm cao mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp ngày càng trưởng thành về mọi mặt; ngày càng nỗ lực phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; phấn đấu làm được nhiều điều hơn nữa cho đồng bào các dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thông qua thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế…, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các nguyên tắc về “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”, quyền của các dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; tinh thần đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số được giữ vững; quan hệ đối ngoại nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số với nhân dân nước bạn Trung Quốc được tốt đẹp, tạo điều kiện để tỉnh Lào Cai phát triển bền vững và thực hiện tốt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh những thành tựu kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng còn có những khó khăn, thách thức, đó là vẫn còn nhiều xã, thôn bản đời sống nhân dân còn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại ở một số đồng bào; tảo hôn còn diễn ra ở nhiều nơi; một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đồng bào dân tộc.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, ngành công tác dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của công tác dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cấp bách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.Tiếp tục tham mưu thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công chức, lao động ngành dân tộc tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động tham mưu triển khai và thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra, để đồng bào các dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh thực sự được thụ hưởng các chính sách của Chương trình, góp phần phát triển mạnh mẽ vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, xóa dần khoảng cách về mọi mặt giữa vùng dân tộc thiểu số với các khu vực trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành dân tộc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện văn hóa công sở và đạo đức công vụ; cải tiến lề lối làm việc, tác phong công tác, thái độ phục vụ nhân dân. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, có tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc của Nhà nước. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, ổn định dân cư, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc.

Qua đó, Cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trên địa bàn xứng đáng là chỗ dựa, niềm mong mỏi, kỳ vọng của trên 515.000 nghìn đồng bào DTTS trong tỉnh.

          Nhân kỷ niệm ngày truyền thống cơ quan QLNN về công tác dân tộc, chúc các đồng chí, đồng nghiệp cùng toàn thể gia đình luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong công việc và cuộc sống./.

Kim Hồng 

1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập