image banner
Ưu tiên tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 195
anh tin bai

Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai thuộc diện khó khăn nhất cả nước. Đặc biệt, thời kỳ mới tái lập tỉnh (năm 1991), toàn tỉnh có hơn 60% số hộ nghèo, nhiều hủ tục đè nặng lên cuộc sống người dân vùng cao. Cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp cao, lao động thiếu việc làm còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn.

anh tin bai

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2000 – 2005, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu: Đảm bảo tạo việc làm mới bình quân hằng năm cho 6.000 - 10.000 lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 21 - 23%. Từ định hướng trên, tỉnh triển khai đề án về tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động. Các địa phương tích cực vận động người dân đi học nghề, chuyển đổi việc làm. Cũng trong thời gian này, Trường Công nhân kỹ thuật Lào Cai được xây dựng góp phần quan trọng trong chiến lược đào tạo nghề của tỉnh. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được triển khai đã thu hút nhiều người lao động đi học nghề. Do đó, trong 5 năm (2001 - 2005), tỉnh có 30.428 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 8,09% (năm 2001) lên 15,5% (năm 2005), đáp ứng cơ bản nhu cầu lao động trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất.

anh tin bai

 

Nhà máy May thêu xuất khẩu (Công ty TNHH Babeeni Việt Nam) tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động địa phương

Bước sang giai đoạn 2005 - 2010, công tác đào tạo nghề tiếp tục có nhiều đổi mới. Toàn tỉnh đã hình thành mạng lưới dạy nghề rộng khắp, nâng tổng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn từ 11 cơ sở (năm 2005) lên 19 cơ sở (năm 2010). Trong đó có 2 trường trung cấp nghề, 1 trường trung học có hoạt động dạy nghề, 16 trung tâm dạy nghề (15 trung tâm công lập, 1 trung tâm dạy nghề tư thục). Ngoài ra còn có hơn 20 cơ sở, hợp tác xã, hộ gia đình thực hiện dạy và kèm cặp nghề, vượt 50% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Hệ thống các ngành nghề được bố trí, sắp xếp, tập trung đào tạo trên 6 lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh: Khai khoáng, xây dựng, thương mại - du lịch, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy điện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các ngành, địa phương tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu, tập trung khôi phục các nghề truyền thống, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều lao động tại địa phương tham gia học nghề. Nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động mở rộng quy mô, lĩnh vực đào tạo, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm, đào tạo phục vụ xuất khẩu lao động.

anh tin bai

Với những mục tiêu, quyết sách đúng của cấp ủy đảng, chính quyền, giai đoạn 2015 - 2020 có thể nói là giai đoạn thành công nhất với công tác đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo được 80.650 người, vượt 14,4% kế hoạch; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 43,1% (năm 2015) lên 56,8% (năm 2020). Cũng trong giai đoạn này, Lào Cai đã tạo việc làm cho 51.260 lao động, trong đó 30.000 lao động là người dân tộc thiểu số; lao động có việc làm thường xuyên chiếm hơn 90%, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm gần 70%.

anh tin bai

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác dạy nghề, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, chú trọng sử dụng người lao động địa phương tại các vùng dự án. Hằng năm, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp với các Tập đoàn: Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Sun Group, Vingroup… tuyển dụng hàng nghìn lao động của tỉnh vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Nổi bật là công tác phối hợp với Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung đào tạo hơn 1.000 lao động địa phương làm việc tại Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Không chỉ đào tạo nghề và kết nối việc làm, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ đã tạo thuận lợi cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số mạnh dạn khởi nghiệp và đạt kết quả nổi bật. Điển hình như chị Tẩn Thị Su (dân tộc Mông) là Giám đốc Công ty Sapa O’Chau; anh Ly Xá Xuy - một trong những người Hà Nhỳ đầu tiên ở xã Y Tý (Bát Xát) làm du lịch; chị Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà…

anh tin bai

Nhiều thanh niên tiêu biểu, sáng tạo trong lao động sản xuất là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động) được coi là giải pháp đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là lao động ở các huyện đặc biệt khó khăn, lao động là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, từ năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 5 cuộc hội đàm và ký biên bản hội đàm với chính quyền huyện Hà Khẩu và Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc) về quản lý lao động qua biên giới, trong đó có nội dung đưa lao động sang làm việc tại doanh nghiệp Trung Quốc. Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Lào Cai đã tuyển chọn và đưa 947 lao động địa phương sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Huệ Hồng (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), trong đó có 820 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 86,6%) với thu nhập bình quân đạt 7 - 10 triệu đồng/người/tháng và được công ty hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chỗ ở. Việc quản lý tốt lao động qua biên giới đã góp phần tạo việc làm cho lao động của các địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm đạt hiệu quả, mỗi địa phương cần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Trong những năm tới, Lào Cai sẽ tiếp tục ưu tiên, duy trì và mở rộng việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, tỉnh tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo Lào Cai điện tử





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập