image banner
Phát huy vai trò Người có uy tín trong giai đoạn mới- Nhìn từ Lào Cai: Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn (Bài 2)
Lượt xem: 229
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai hiệu quả chính sách dành cho Người có uy tín, kịp thời động viên, thăm hỏi, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với lực lượng đặc biệt này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có những chính sách riêng dành cho Người có uy tín. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong giai đoạn mới, cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp.  

Người có uy tín có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lào Cai (Trong ảnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chụp ảnh lưu niệm với Người có uy tín Lào Cai)

Vận dụng linh hoạt chính sách dành cho Người có uy tín

Huyện Bát Xát có 23 dân tộc với 162 Người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dành cho Người có uy tín. Hằng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt cung cấp thông tin, tặng quà cho Người có uy tín. 

Ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết: Hằng năm, huyện đều cân đối ngân sách tổ chức cho Người có uy tín đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế-xã hội… ở trong huyện cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2020 trở về trước, huyện tổ chức tặng quà cho Người có uy tín 2 lần/năm, đến năm 2021 thì tặng quà 1 lần/năm vào dịp tết Nguyên đán.

“Riêng đối với việc cung cấp thông tin cho Người có uy tín, bên cạnh việc tổ chức hội nghị cung cấp thông tin theo quy định thì hằng tháng Phòng Dân tộc huyện đều soạn thảo, ban hành văn bản định hướng, cung cấp thông tin để Người uy tín có tài liệu, nội dung tuyên truyền sát với định hướng tuyên truyền chung của huyện theo từng tháng, từng quý. Đây là cách làm mới hiện nay chỉ có huyện Bát Xát đang triển khai”, ông Hùng cho biết thêm.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách cho Người có uy tín. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chính sách theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ thì địa phương cũng linh hoạt ban hành và áp dụng một số chính sách riêng nhằm động viên kịp thời đối với Người có uy tín.

Cụ thể, bên cạnh việc tổ chức gặp mặt hằng năm theo quy định, tỉnh Lào Cai mỗi năm, còn tổ chức thêm các hội nghị gặp mặt chuyên đề đối với Người có uy tín từng dân tộc: Năm 2021, đã tổ chức gặp mặt Người có uy tín dân tộc Dao; năm 2022, dự kiến tổ chức gặp mặt Người có uy tín dân tộc Mông, Phù Lá…

Bà Mã Én Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đối với việc tặng quà cho Người có uy tín, trong Quyết định 12 nêu rõ: “Người uy tín được tặng quà 2 lần/năm, một lần vào dịp tết cổ truyền và một lần vào dịp tết dân tộc”. Thực hiện theo tinh thần này, từ năm 2020 trở về trước, tỉnh Lào Cai tổ chức tặng quà cho Người uy tín 2/lần/năm, vào dịp tết Nguyên đán và một lần vào ngày Quốc khánh 2/9.

“Tuy nhiên, năm 2021, Thanh tra UBDT qua kiểm tra, giám sát tại địa phương có yêu cầu tỉnh Lào Cai chỉ tổ chức tặng quà 1 lần/năm, giống như các địa phương khác đang thực hiện. Nên từ năm 2021, tỉnh chỉ thực hiện tặng quà cho Người có uy tín một lần vào dịp tết Nguyên Đán”, bà Hằng thông tin.

Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thì, việc tổ chức tặng quà 2 lần/năm là phù hợp, có ý nghĩa lớn trong việc động viên kịp thời đội ngũ Người có uy tín.

Tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chăm lo, thăm hỏi động viên đội ngũ Người có uy tín

Cần bổ sung chính sách cho Người có uy tín

Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Người có uy tín. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cần có những bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát Lý Việt Hùng, đối với việc rà soát, ban hành quyết định bổ sung Người có uy tín, mỗi năm thực hiện một lần như hiện nay, là không phù hợp.

“Tôi ví dụ như nếu Người có uy tín mất, thì việc bổ sung là tất nhiên, nhưng quy định hiện nay thì phải cuối năm mới rà soát, bổ sung, đưa ra khỏi danh sách thì quá muộn. Ở thôn bản đó sẽ có một khoảng thời gian dài không có Người có uy tín, mặc dù việc bầu bổ sung có thể thôn bản sẽ tổ chức sớm, nhưng quyết định công nhận thì phải cuối năm. Như vậy, dù có được bầu thì Người có uy tín đó “danh không chính, ngôn không thuận”; cùng với đó, còn liên quan đến chế độ chính sách, nếu chưa có quyết định thì dù có hoạt động thì Người có uy tín cũng không được hưởng các chế độ theo quy định…”, ông Hùng phân tích.

Đồng quan điểm này, bà Hằng cho rằng, việc ban hành quyết định bổ sung, đưa ra khỏi danh sách Người có uy tín nên phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện. Như vậy, sẽ thuận lợi và kịp thời hơn là để Chủ tịch UBND tỉnh quyết định như hiện nay.

“Chúng tôi cũng thấy được những bất cập trong việc mỗi năm rà soát, bổ sung danh sách Người có uy tín như hiện nay. Tuy nhiên, quyết định này do Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành nên cũng rất khó nếu như cứ vài ngày, hoặc hàng tháng lại trình ký bổ sung. Chính vì vậy, việc phân cấp cho UBND cấp huyện trong việc này là phù hợp”, bà Hằng cho biết.

Với quy định thăm hỏi tặng quà, ốm đau, ma chay… cho Người có uy tín, đề nghị cần có quy định về định mức, định lượng cụ thể hơn và một năm mấy lần… Qua tìm hiểu thực tế, ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai, khi Người có uy tín ốm đau hoặc mất, thì các địa phương thường thăm, viếng ở mức 500 nghìn đồng/người/lần.

“Do vậy, tùy điều kiện thực tế mỗi địa phương, nên chăng quy định mức thăm hỏi từ 300-500 nghìn đồng/lần; như vậy sẽ phù hợp điều kiện giá cả, cuộc sống hiện nay”, Trưởng phòng Dân tộc huyện bát Xát Lý Việt Hùng đề xuất.

Cũng liên quan đến chế độ, thăm hỏi, tặng quà, tỉnh Lào Cai đề xuất cần có quy định rõ, một năm Người có uy tín được tặng quà mấy lần (?). Như quy định hiện nay chưa rõ ràng, nên trong quá trình thực hiện sẽ không thống nhất.

“Chúng tôi đề nghị, nên quy định mỗi năm Người uy tín được tặng quà 2 lần/năm. Một lần vào dịp tết Nguyên đán, một lần thì để địa phương tự cân đối lựa chọn thời điểm tặng phù hợp nhất, ý nghĩa nhất”, bà Mã Én Hằng kiến nghị.

Đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là những người “truyền lửa”, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ và có giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp lửa”, để đội ngũ này phát huy tốt hơn “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển của địa phương.

Theo Baodantoc.vn

>>> Phát huy vai trò Người có uy tín trong giai đoạn mới- Nhìn từ Lào Cai: Những đóng góp quan trọng cho sự phát triển (Bài 1)





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập