image banner
Dân vận khéo ở vùng cao Lùng Thẩn
Lượt xem: 218
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Si Ma Cai ngày càng có nhiều xã, thôn, bản vùng cao đổi thay rõ nét nhờ đồng bào tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Những kết quả đó có được là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán cũ, đưa những cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Câu chuyện ở Lùng Thẩn là một ví dụ.

Hiệu quả từ mô hình trồng lê, mận ở Seng Sui

Mùa đông đã đến. Khi những cây mận trong vườn đã trút hết lá, gia đình ông Hảng Seo Sủ, thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn lại bận rộn với việc cắt tỉa, vin cành cho vườn lê Tai nung và bón phân cho từng gốc lê, mận để mùa xuân tới cây sai hoa, đậu quả. Ông Sủ còn nhờ anh em, họ hàng đến giúp đào thêm hố, làm đất, ủ phân chuẩn bị trồng cây mới. Gia đình ông Sủ hiện có 0,5 ha lê Tai nung. Đến vụ thu hoạch, nhờ bán quả lê, gia đình ông có thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Thời gian tới, ông Sủ tiếp tục mở rộng diện tích trồng và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc vườn lê, mận để nâng cao năng suất, chất lượng quả.

Tại thôn Seng Sui, thời gian qua có không ít hộ đồng bào Mông có thu nhập 50 - 80 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch lê, mận. Tiêu biểu như gia đình các ông: Hảng Seo Pùa, Hảng Seo Sìn, Hảng Seo Phòng… Ngoài bán quả, một số hộ còn sản xuất cả cây giống cung cấp cho những hộ trong và ngoài xã.

anh tin bai

Đồng bào Mông thôn Seng Sui thu hoạch lê Tai nung.

Theo ông Hảng Seo Tếnh, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Seng Sui, cách đây khoảng chục năm, khi Nhà nước hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả ôn đới, chỉ có một vài hộ tham gia. Nhờ cấp ủy đảng, chính quyền xã và thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động và nhìn thấy những vườn cây ăn quả đem lại thu nhập nên ngày càng có nhiều hộ chuyển từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Đến nay, Seng Sui có khoảng 180 ha cây ăn quả, giúp nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm; không ít hộ thoát nghèo nhờ trồng cây lê, mận.

Dân vận khéo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, không chỉ ở Seng Sui, mà các thôn, bản khác trên địa bàn xã Lùng Thẩn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đồng bào Mông chuyển đổi từ trồng ngô hoặc nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ôn đới.

Nhìn lại thời điểm năm 2016, xã Lùng Sui (cũ) mới có 15 ha lê, mận nhưng đến nay đã có 443 ha, trong đó 243 ha lê Tai nung và 200 ha mận Tả Van. Điều đáng nói là 50% tổng diện tích do bà con tự đầu tư mua cây giống về trồng, không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Diện tích cây ăn quả ôn đới tập trung nhiều nhất ở các thôn Seng Sui (180 ha), Nàng Cảng (hơn 80 ha), Lử Thẩn (hơn 70 ha).

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn cho biết: Xã có hơn 600 hộ trồng cây ăn quả ôn đới, trong đó khoảng 150 hộ thu hoạch trên 20 triệu đồng từ vườn lê, mận. Xã có 200 ha lê, mận đã cho thu hoạch, năm nay tổng sản lượng đạt 535 tấn, đem về nguồn thu hơn 10,7 tỷ đồng cho người dân. Để đạt kết quả đó là một quá trình nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền xã và đồng bào các dân tộc.

Từ việc xác định “chìa khóa” để giảm nghèo là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây ăn quả ôn đới, Đảng ủy xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác dân vận để thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Đội ngũ cán bộ từ xã tới thôn tích cực tuyên truyền để bà con hiểu việc trồng cây ăn quả sẽ đem lại nguồn thu lâu dài, giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần trồng ngô. Ban đầu chỉ một vài hộ trồng lê Tai nung, mận Tả Van, sau đó cây phát triển tốt, cho nhiều quả, bán được giá cao, các hộ khác cũng làm theo. Năm 2021, bà con trồng mới 35,2 ha lê Tai nung. Năm 2022, diện tích lê trồng mới tăng thêm 40 ha. Xã Lùng Thẩn phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 600 ha cây ăn quả ôn đới.

Cùng với đó, xã Lùng Thẩn còn tuyên truyền, vận động bà con trồng cây dược liệu, gia vị với một số cây chủ lực như cát cánh, đương quy, gừng, tỏi… Năm nay, lần đầu tiên đồng bào Mông thôn Lử Thẩn trồng được 16,5 ha cây cát cánh. Hiện nay, bà con đang thu hoạch củ, năng suất đạt 3 - 4 tấn củ/ha. Với giá trung bình 18.000 - 20.000 đồng/kg củ khô, có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm, người dân yên tâm có thêm khoản thu không nhỏ. Ngoài ra, xã vận động bà con trồng 65 ha cây gia vị như gừng, tỏi, hành… đạt 282,6% so với kế hoạch giao.

Việc thực hiện tốt công tác dân vận khéo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã vùng cao Lùng Thẩn đã đem lại những mùa quả ngọt cho đồng bào các dân tộc nơi đây, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Năm 2022, Lùng Thẩn có 915 hộ, trong đó 58% hộ nghèo, giảm hơn 6% hộ nghèo so với năm trước. Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tích cực tuyên truyền bà con chăm sóc vườn cây ăn quả đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tạo đột phá trong sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Theo Báo Lào Cai điện tử





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập