image banner
NGÀNH CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH LÀO CAI: 76 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Lượt xem: 937
Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự. Trong những năm qua vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Ngành công tác dân tộc tỉnh Lào Cai đã có bước phát triển vững mạnnh trong công tác tổ chức, nhân sự và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn các địa phương phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đoàn đại biểu các DTTS tỉnh Lào Cai dự Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam

Nhìn lại chặng đường lịch sử 76 năm công tác dân tộc chúng ta luôn tự hào về sự đóng góp của nhân dân các dân tộc nói chung và ngành công tác dân tộc nói riêng từ năm 1946 đến nay. Để việc chăm lo toàn diện lợi ích của các dân tộc, huy động toàn diện các dân tộc đoàn kết tham gia công cuộc cứu quốc, kiến quốc. Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 58/SL quy định tổ chức Bộ Nội vụ, trong đó thành lập Nha Dân tộc thiểu số (tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay), chịu trách nhiệm nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhằm củng cố mối tương trợ, đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Đối với tỉnh Lào Cai, ngày 01/10/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tái lập tỉnh Lào Cai trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau khi tái lập tỉnh, trước yêu cầu tăng cường công tác dân tộc, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đại đoàn kết và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tháng 5/1993, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định thành lập Ban  Tôn giáo - Dân tộc tỉnh Lào Cai. Ban  Tôn giáo - Dân tộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tôn giáo, công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Tháng 11/2004, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định thành lập Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai trên cơ sở sáp nhập Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh và Chi cục định canh định cư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố, từ năm 1991 đến năm 2004, công tác dân tộc được giao cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện. Từ năm 2005 đến năm 2008, các huyện đã thành lập Phòng Dân tộc, riêng thành phố Lào Cai công tác dân tộc tiếp tục được giao cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện. Phòng Dân tộc cấp huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của bộ phận làm công tác tôn giáo từ Ban Dân tộc tỉnh về Sở Nội vụ; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của bộ phận làm công tác định canh định cư từ Ban Dân tộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND cấp huyện đã chuyển giao nhiệm vụ tham mưu công tác dân tộc cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thực hiện (do giải thể phòng Dân tộc). Đến tháng 8/2010, các huyện, thị xã, thành phố đã tái thành lập Phòng Dân tộc nhằm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chụp ảnh lưu niệm với Người có uy tín tỉnh Lào Cai

Trong những năm qua ngành công tác dân tộc tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc; tổ chức, phối hợp nghiên cứu tham gia xây dựng các chính sách liên quan tới vấn đề dân tộc; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách đang triển khai có vướng mắc trong quá trình thực hiện để các chính sách đi vào cuộc sống. Thông qua việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí vui vẻ phấn khởi, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc; tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.

Thường xuyên thực hiện nắm tình hình vùng dân tộc thiểu số về các vấn đề đời sống, sản xuất, văn hóa, ..v.v đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu tiềm ẩn những nhân tố bất ổn về an ninh, chính trị, từ đó tham mưu biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia việc thực hiện các chính sách dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện chính sách. Thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư, nắm nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Phát huy tốt vai trò của cán bộ ở cơ sở, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các dân tộc trong việc vận động đồng bào, dân tộc mình chống lại lôi kéo, xúi dục của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong xản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Việc tổ chức thực hiện các chính sách, các chương trình dự án hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và mở rộng, nhiều công trình được nâng cấp và xây dựng mới; nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về tập quán sản xuất dần được thay đổi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân; số hộ đói nghèo ở khu vực nông thôn giảm nhanh và bền vững. Các chính sách giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác cán bộ, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - nghệ thuật, thể thao khu vực được quan tâm tổ chức. Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi được củng cố và ngày càng phát triển; tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không để xảy ra điểm nóng vì lý do dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, ngành công tác dân tộc tỉnh Lào Cai phải chủ động và nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong đồng bào các dân tộc; tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp xử lý kịp thời những phát sinh từ cơ sở, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống công tác dân tộc, nâng cao nhận thức và chất lượng tham mưu, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ được giao./.

Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập