image banner
Chặng đường 70 năm gian khó và vinh quang của cơ quan công tác dân tộc tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 4872

Việt nam là quốc gia đa dân tộc, bởi vậy trong đường lối lãnh đạo của Đảng vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc được xác định là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố đảm bảo cho sự thành công của cách mạng. Sau khi giành được độc lập, ngày 3/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong sắc lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký là: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Trong từng thời kỳ cách mạng dù với những tên gọi khác nhau nhưng chức năng nhiệm vụ không thay đổi, đều nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu công tác dân tộc trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 14/10/2008 lấy ngày 03/5 hàng năm là ngày “Truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc”.

            Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là sau khi được giải phóng (1/11/1950) từ nhận thức đến hành động, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn coi trọng và xác định công tác dân tộc có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng hàng đầu. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn đoàn kết, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ vĩ đại, đóng góp sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Trong mỗi giai đoạn và nhất là khi đất nước hòa bình, cơ quan công tác dân tộc tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số như: Thực hiện cuộc vận động định canh, định cư; quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào dân tộc; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

            Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương và chính sách cụ thể nhằm từng bước phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-HĐBT ngày 13/3/1990 để thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; Chương trình 135 giai đoạn I, II, III; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; đặc biệt là Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là động lực để các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc.

            Vận dụng các chủ trương chính sách vào điều kiện cụ thể của Lào Cai, một tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 65%, sau 25 năm tái lập, qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đều có các nghị quyết để tập trung lãnh chỉ đạo công tác dân tộc. Từ nhiệm kỳ đại hội khóa IX (2000 - 2005) đến nay Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có 2 chỉ thị  về công tác dân tộc là Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 13/12/2013 về việc tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 30/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 về ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trên địa bàn tỉnh và nhiều chính sách đặc thù khác ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỉnh đã dành từ 65 - 70% nguồn kinh phí ngân sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tận dụng tối đa các nguồn lực, phát động phong trào mở đường giao thông nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Do vậy, từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, nhưng chỉ sau 25 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi phía Tây Bắc Tổ quốc; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao. Diện mạo vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi căn bản với kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thiết chế văn hóa đã phủ kín các thôn bản.

            Trong những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị đội ngũ cán bộ cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh đã được kiện toàn ở tất cả các cấp; ở cấp tỉnh, thời kỳ mới chia tách từ Ban Dân Vận (năm 1993) Ban Dân tộc tỉnh chỉ có 3 cán bộ, đến nay cơ quan có 33 cán bộ với 5 phòng chuyên môn trực thuộc; chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sỹ, đại học chiếm tỷ lệ 98%; cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 30%. Cấp huyện, bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc đến nay đã được kiện toàn, số lượng biên chế từ 5 - 7 cán bộ; ở cấp xã đã phân công lãnh đạo UBND và cán bộ chuyên môn theo dõi về công tác dân tộc.

 Cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh đã làm tốt công tham mưu phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020. Tham mưu có hiệu quả việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Chương trình 135; chính sách trợ giá, trợ cước; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo; chính sách cấp phát báo không thu tiền; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách định canh, định cư; Tham mưu công tác thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các nhà tài trợ tham gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số; nghị quyết 27 về ưu tiên tuyển dụng con em các dân tộc thiểu số vào công tác tại các cơ quan trong hệ thống chính trị… Các chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ nét. Đời sống của đồng bào không ngừng nâng lên, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc.

            Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn mặc dù đã được đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng còn yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ dân trí không đồng đều, trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động còn hạn chế, sản xuất chưa gắn với thị trường, bản sắc văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao… Nhiệm vụ của công tác dân tộc trong giai đoạn tới đặt ra cho các cơ quan làm công tác dân tộc trách nhiệm lớn và cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được  giao, đáp ứng nguyện vọng và niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện Nghị quyết  lần thứ XII của Đảng và Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ Tỉnh Lào Cai.

            Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới, hệ thống công tác dân tộc xác định cần phối hợp tốt với các cấp, các ngành của tỉnh một số nhiệm vụ như: Chương trình hành động thực hiện Chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS Thành phố lần thứ II.  Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc miền núi: Chính sách đối với người có uy tín; chính sách giảm nghèo bền vững; chính sách đối với giáo viên, học sinh vùng đặc biệt khó khăn; Đề án mô hình phát triển KT-XH bền vững cho đồng bào dân tộcdưới 10000 người; đề xuất giải pháp chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020….

 Xác định rõ “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị…”, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp thường xuyên của các sở, ban, ngành để công tác dân tộc ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc./.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập