image banner
77 năm một chặng đường vẻ vang
Lượt xem: 205
Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay) với nhiệm vụ: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Trải qua chặng đường 77 năm phát triển đầy gian nan, vất vả nhưng rất đỗi vẻ vang, chúng ta càng tự hào hơn về những thành tựu, đóng góp của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc với trọng trách mà Đảng, Bác Hồ đã giao phó.

anh tin bai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Trọng trách vẻ vang

Sau khi Bộ Nội vụ được thành lập, ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Như vậy, chỉ 1 năm sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập để chăm lo cho đồng bào các DTTS.

Tại thời điểm đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Nha Dân tộc thiểu số là mở Trường Đào tạo cán bộ dân tộc mang tên “Nùng Chí Cao”, khóa học đầu tiên tại Hà Nội được Bác Hồ tới thăm. Lớp cán bộ dân tộc do trường đào tạo sau đó tỏa đi khắp cả nước tham gia công tác trên các lĩnh vực, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nha Dân tộc thiểu số đã tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp Nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ.

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku (năm 1946) có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”...

Trải qua quá trình 77 năm xây dựng và phát triển với mục tiêu chăm lo cho đồng bào các DTTS, Nha Dân tộc thiểu số ngày nào giờ đây đã trở thành Ủy ban Dân tộc - Cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước. Đồng thời, là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng, Chính phủ về chủ trương, chính sách đối với vùng DTTS và miền núi.

Kế thừa và phát huy

Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên… của Ủy ban Dân tộc đã vượt mọi khó khăn, vất vả, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm lo cho mọi quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hoá… của đồng bào các DTTS mà Đảng, Bác Hồ đã giao phó.

Theo đó, với chức năng tham mưu cho Chính phủ quyết định các chính sách dân tộc, những năm qua, Ủy ban Dân tộc không chỉ tham gia xây dựng chính sách mà đã chủ trì, phối hợp cùng nhiều bộ, ngành trực tiếp thực hiện chính sách và giúp Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện chính sách dân tộc một cách sát thực, hiệu quả.

Và, một trong những dấu mốc quan trọng của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc chính là việc đã tham mưu, xây dựng giúp Chính phủ ban hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP về lĩnh vực công tác dân tộc. Đây chính là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới thời điểm này về công tác dân tộc, với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý Nhà nước về dân tộc. Nghị định ra đời đã tạo khuôn khổ pháp lý để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Ðề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trình Quốc hội và đã được Quốc hội phê duyệt thông qua. Ðây là giải pháp quan trọng mang tính đột phá nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi.

Chuyển biến mạnh mẽ vùng DTTS và miền núi

Từ các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Công tác dân tộc suốt nhiều năm qua, đến nay cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS và miền núi được đầu tư rất cơ bản, khang trang. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh của đồng bào các dân tộc...

Nhờ vậy, đến nay, đã có hàng nghìn xã, thôn bản đồng bào DTTS đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn 135; hàng trăm xã, thôn bản đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới… Tỷ lệ giảm nghèo trong vùng DTTS qua mỗi năm là rất ấn tượng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng dân tộc và miền núi luôn đạt tỷ lệ 8 - 10%. Công tác xóa đói giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, không còn hộ đói kinh niên, số hộ nghèo giảm một cách rõ rệt, số hộ khá, giàu ngày một tăng.

Cùng với đó, văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và chăm lo công tác cán bộ vùng DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng trưởng thành, gắn bó với Nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ… Tình hình an ninh chính trị trong vùng DTTS ngày càng ổn định, các dân tộc đoàn kết gắn bó, cùng nhau giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Với những thành tựu đã đạt được đối với lĩnh vực công tác dân tộc, nhìn lại chặng đường 77 năm đã qua, dẫu lắm gian nan, vất vả nhưng mỗi cán bộ làm công tác dân tộc đều có quyền tự hào vì những đóng góp nhỏ bé của mình đã góp phần không nhỏ làm nên đổi thay tích cực đời sống của đồng bào DTTS và miền núi hôm nay.

                                                                                  Theo Báo Dân tộc & phát triển 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập