image banner
      
Chị Vùi Thị Xuyến tích cực tuyên truyền cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc Giáy
Lượt xem: 1144
Chị Vùi Thị Xuyến sinh 1986 là người Giáy xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát. Chị tham gia công tác hội phụ nữ từ khi còn rất trẻ. Năm 2010 chị đã là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Nậm Chạc, là thôn trung tâm của xã Nậm Chạc. Sau 3 năm, chị giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Chạc, tháng 12 năm 2019, chị được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã. 

Xã Nậm Chạc có 10 thôn với đa số dân tộc Mông, Dao, Giáy sinh sống. Cộng đồng người Giáy tập trung tại hai thôn Nậm Chạc và Biên Hòa từ lâu đời, nhiều phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống, sinh hoạt của đồng bào. Bên cạnh phong tục tập quán tốt đẹp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, gây lãng phí thời gian, tiền của của người dân.

                Về việc cưới, người Giáy quan niệm đám cưới càng lớn, thách cưới càng cao thì hạnh phúc của đôi trẻ càng bền chặt. Trước đây, nhà gái thách cưới nhà trai 140 kg lợn móc hàm, 28 – 30 đôi gà, 2 chỉ vàng, kiềng đeo cổ bạc, vòng tay bạc, 8 lít rượu, 80 kg gạo tẻ để nấu cơm, 80 – 100 kg gạo nếp để làm bánh phục vụ đám cưới. Đám cưới được tổ chức linh đình trong nhiều ngày. Mỗi khi trong làng có đám cưới, bà con lại tập trung đến giúp, ăn uống. Thấu hiểu được sự khổ cực của việc sau khi tổ chức đám cưới, cả nhà trai, nhà gái, cả đôi trẻ phải làm lụng vất vả để trả nợ, họ hàng làng xóm mất nhiều thời gian đến giúp, cái vòng nghèo đói luẩn quẩn hết đời này sang đời khác, chị Xuyến vận động gia đình, họ hàng không thách cưới cao, khi kết hôn phải đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký, trai gái đủ tuổi mới được kết hôn, không lấy nhau cận huyết thống, tổ chức cưới chỉ ăn một bữa chính, thách cưới giảm đi một nửa, không thách kiềng cổ bạc, vòng tay bạc nữa. Lúc đầu vận động rất khó khăn, nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, đến nay người Giáy trong thôn không còn thách cưới cao, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương…

                Trong việc tang, phong tục từ xa xưa để lại là người Giáy phải để người chết quá 48 tiếng mới đem đi chôn cất. Có rất nhiều ngày phải kiêng kỵ: ngày sinh tháng đẻ của con cháu, ngày con hổ, ngày con khỉ tuổi của các con cháu, ngày chết của bố mẹ đã chôn cất từ trước… Nếu chôn trùng với ngày, giờ đó thì con cháu sẽ bị ốm đau, làm ăn không nên, thậm chí có người còn phải chết theo. Người Giáy bao giờ cùng phải đợi thầy cúng, thầy mo xem ngày giờ không được trùng mới được đem đi chôn cất. Những ngày tang lễ gia đình tổ chức cúng bái, ăn uống, làng xóm nghỉ việc đến giúp, lễ cúng nhiều lãng phí, mất vệ sinh… Chị Xuyến trăn trở suy nghĩ rồi bàn với gia đình, họ hàng, làng xóm với những lý lẽ đơn giản, chân thành: Nếu để như thế thì mất nhiều lợn, gà, gạo, rượu, vừa mất người, vừa mất của, dân làng mất công, mất thời gian. Con người có sinh có tử đó là quy luật vì vậy con cháu làm sao phải hiếu thảo với bố mẹ lúc còn sống, lúc chết thì làm đám ma cho phải đạo, không nên quá xuề xòa, qua loa, cũng không nên quá đình đám tốn kém. Còn việc trùng tuổi con, cháu, ngày chết của ông bà đi trước thì ngày xưa mới tránh được, bây giờ đông con cháu tránh sao được. Việc ngày con hổ, con khỉ không tốt thì ta chọn giờ đẹp. Chúng ta không vì quá tin vào số phận, phải bỏ dần những phong tục lạc hậu, giữ gìn những phong tục tốt đẹp của ông cha. Vượt qua nhiều khó khăn song đến nay người Giáy ở Nậm Chạc không còn để người chết quá 48 tiếng nữa, nếu vẫn không chọn được ngày, giờ đẹp thì chôn cất trước, làm lễ sau.

Bà Vùi Thị Xuyến dự Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ III - năm 2019

                Trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, trước đây chục năm, người Giáy ở đây còn chưa làm nhà vệ sinh, vứt rác bừa bãi, chưa làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, ăn uống chưa vệ sinh, trong sản xuất chưa biết thâm canh tăng vụ… Chị Xuyến đã gương mẫu xây nhà vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà, xây dựng hố phân, lò đốt rác, không xả rác, chất thải, nước thải ra đường, ra suối, sắp xếp nơi nấu ăn sạch sẽ, phòng ngủ thoáng, chăn màn, quần áo gọn gàng, làm giá để giày dép ở hiên nhà, sân ngõ sạch sẽ, có nơi đổ rác không vứt bừa bãi… Từ đó, chị vận động chị em trong thôn chỉnh trang nhà cửa, xây nhà vệ sinh, lò đốt rác, hố phân, hàng tuần vệ sinh đường làng ngõ xóm, di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, hướng dẫn bà con trong thôn, xã trồng 2 vụ lúa, 3 vụ ngô, trồng rau, hoa màu, cây con tăng thu nhập. Năm 2018, thôn Nậm Chạc nơi chị sinh sống đã được công nhận thôn nông thôn mới.

                Đời sống người Giáy ở Nậm Chạc đã đổi thay nhiều, sự đổi thay đó bắt nguồn từ nhận thức đến hành động của người dân, đồng bào đã đồng thuận với những quan niệm, những trăn trở của chị Vùi Thị Xuyến, với mong muốn cùng nhau được sống trong no ấm, hạnh phúc.

 

Mã Én Hằng





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập