Cần có những điều chỉnh trong chính sách hỗ trợ học sinh trường DTNT
Ngày 29/5/2009, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và các trường dự bị đại học dân tộc được ban hành. Các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt các quy định, chế độ theo Thông tư như: Công tác tuyển sinh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh... Tuy nhiên, trong qua trình triển khai thực hiện Thông tư 109 đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại nhất định; đòi hỏi cần có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh theo Thông tư 109 đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường nội trú
Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được nâng cấp thành lập theo Quyết định số 2672/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh Lào Cai. Bên cạnh thực hiện chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc cho học sinh hai cấp THCS và THPT, nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; giáo dục kỹ năng sống và giáo dục hướng nghiệp cho con em đồng bào các dân tộc.
Thời gian qua, thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ theo Thông tư 109, nhà trường đã thành lập Ban tuyển sinh, xây dựng kế hoạch tuyển sinh bảo đảm việc lựa chọn, tuyển học sinh về học tại trường theo đúng quy định, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng.
Cô giáo Lưu Thị Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo Thông tư 109 đã tạo động lực cho con em đồng bào các dân tộc trong huyện đang học tập tại trường yên tâm học tập, có tinh thần vươn lên đạt kết quả cao nhất trong rèn luyện, tu dưỡng.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Thông tư 109 tại trường cũng còn những bất cập. Cụ thể, nhà trường đề nghị nâng mức học bổng cho học sinh từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh. Hiện nay, mức lương và chế độ đối với nhân viên phục vụ còn thấp, không bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu nên cần có hỗ trợ để họ yên tâm công tác…”, cô Đức kiến nghị.
Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà bên cạnh dạy văn hóa còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc
Thời gian qua, Ban Dân tộc Lào Cai đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tại một số trường DTNT trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra cho thấy, các trường học đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về công tác tuyển sinh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay một số chế độ, chính sách đối với học sinh học tại các Trường THPT DTNT, PTDTNT THCS&THPT thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109 không còn phù hợp, cụ thể: Về mức học bổng, hiện học sinh đang được hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước (bằng 1.192.000 đồng, số tiền này cơ bản dùng để chi cho tiền ăn.
Trong khi giá cả thị trường đều tăng hàng năm, điều kiện kinh tế của gia đình các em học sinh còn khó khăn (học sinh được tuyển vào học tại các trường là gia đình phải ở các xã khu vực III và thôn đạc biệt kho khăn của các xã khu vực II và khu vực I). Do vậy, đã gây khó khăn cho các trường học trong việc chăm sóc học sinh. Học sinh khi nhập trường được Nhà trường trang cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như: Chăn bông cá nhân, màn cá nhân, áo bông, chiếu cá nhân, nylon đi mưa, quần, áo đồng phục...
Đồ dùng chăn, màn... cấp cho học sinh rất khó để các em sử dụng được trong suốt quá trình học tập tại nhà trường
Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc Lào Cai cho biết: Thực tế, các đồ dùng chăn, màn, chiếu dễ bị hư hỏng nên rất khó để học sinh sử dụng được trong suốt quá trình học tập tại nhà trường (3 năm với bậc học THPT và 4 năm với bậc học THCS... Đối với áo bông, đồng phục, các em học sinh đang tuổi phát triển nên sau mỗi năm đều không thể sử dụng lại được. Mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn được cấp 50.000 đồng/học sinh/năm còn thấp, ảnh hưởng đến việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị của các trường...
Từ những khó khăn, tồn tại này, Ban Dân tộc đã báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, nâng mức hưởng học bổng cho học sinh bằng 100% mức lương cơ sở; thay đổi việc cấp đồ dùng cá nhân như chăn bông, nylon đi mưa, áo bông thành chăn ấm, ô dù, áo ấm (vì hiện nay trên trị trường có nhiều loại chăn, áo bảo đảm ấm, đẹp và ô che mưa, nắng thuận tiện cho sử dụng). Mỗi năm học sinh được cấp 1 áo ấm và 2 bộ quần, áo đồng phục (dài tay, ngắn tay). Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết và dịp nghỉ Hè (trường hợp không có phương tiện công cộng thì lập bảng kê khai tiền vé theo quãng đường, chi trả theo mức khoán/km do địa phương quy định)...
“Riêng đối với mức chi cho ngày tết Nguyên đán nên quy định: Nhà trường tổ chức cho học sinh mừng tết Nguyên đán là 100.000 đồng/học sinh (vì hiện tại Thông tư 109 quy định mức chi là 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại - quy định như vậy là chỉ có học sinh ở lại trường mà không về nhà trong dịp Tết Nguyên đán mới được hưởng)...", ông Ngọc đề xuất.
Có thể nói, thời gian qua, Thông tư 109 đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục tại các trường DTTN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay đã có những thay đổi rất nhiều từ giá cả thị trường, mức sống, điều kiện sinh hoạt... Trong khi đó, những chính sách của Thông tư được xây dựng từ năm 2009, tức là cách đây đã 13 năm; do đó, không tránh khỏi những bất cập hoặc không còn phù hợp. Chính vì vậy, cần có những điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Theo baodantoc.vn